Người dân bức xúc vì Nghị định 168 như hình thức bóc lột

Ngày 10/1, RFA Tiếng Việt có bài: “Người dân: Mức phạt theo Nghị định 168 là bóc lột”.

Theo đó, RFA cho biết, Cục Cảnh sát giao thông lý giải việc tăng mức xử phạt theo Nghị định 168 là để thiết lập lại trật tự, văn hóa giao thông, “để hạn chế các vi phạm giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông”…  Nhưng trong mắt người dân, mức phạt đó “không có tình người, hà khắc”, và mang tính “bóc lột”.

Cụ thể, nếu không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng, đi ngược chiều bị phạt 4 đến 6 triệu đồng, và điều khiển xe đi quá tốc độ bị phạt từ 6 đến 8 triệu đồng. Đây là mức phạt mới đối với các lỗi vi phạm giao thông phổ biến ở Việt Nam.

Đó cũng chính là lý do khiến người dân phản ứng gay gắt bởi mức độ hà khắc của luật mới.

RFA dẫn lời anh Hoàng, tài xế GrabBike ở Hà Nội, cho biết, anh đồng tình với chuyện người dân phải tuân thủ giao thông, nhưng mức phạt như thế thì không mang tính răn đe, mà là “dồn dân vào chân tường” nếu chẳng may bị phạt.

“Mỗi tháng tôi kiếm được khoảng chín triệu. Nếu phạt như thế thì chưa đủ hai lần phạt đã hết tiền. Mức phạt này hà khắc quá. Phạt lấy được. Tôi không đồng ý với những người vi phạm giao thông. Những trường hợp đó cần phải phạt, nhưng phạt sao cho hợp lý với thu nhập của người dân. Phạt nặng như thế là dồn dân vào chân tường. Không hợp lý một tí nào cả.”.

RFA cho biết thêm, nhiều người dân sống tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn cho biết, rất nhiều trường hợp khó tránh lỗi vượt đèn đỏ vì đèn đang xanh bỗng chuyển sang đỏ, thậm chí đèn có giây đếm. Lỗi chạy xe trên lề cũng dễ mắc phải vì lòng đường vốn đã đông xe phải chứa thêm lượng người đi bộ, do vỉa hè đã bị chiếm đoạt để buôn bán.

RFA cũng dẫn lời cô Tuyết, một công nhân từ Bình Dương lên Sài Gòn làm việc, cho hay, bây giờ cảnh sát giao thông xuất hiện không để điều tiết giao thông, mà để phạt với mức phạt mà cô gọi là “vô lương tâm”.

“Mức phạt đó là bóc lột người dân. Dân đã nghèo còn nghèo thêm nữa. Tụi nó không có lương tâm, nó chỉ biết lương tháng thôi. Người dân chúng tôi đã nghèo khổ lắm rồi, không thể chịu nổi mức phạt đó đâu”.

Theo RFA, Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, gồm 4 chương và 55 điều, được ban hành ngày 26/12/2024, và có hiệu lực vào ngày 1/1, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký.

“Đặc điểm của các nhà lập pháp Việt Nam là họ không cần biết đến người dân, cho nên trong quá trình soạn luật, việc tham vấn ý kiến của người dân hầu như không có. Chính vì thế xảy ra trường hợp những văn bản vừa đưa ra nhận phản ứng tức khắc của người dân. Như vậy là thất bại rồi. Nghị định này là một trường hợp cụ thể”,  RFA dẫn thêm nhận định của Phó Giáo sư Hoàng Dũng.

Tuy người dân là đối tượng chính trong Nghị định 168 nhưng người dân chỉ biết đến nghị định khi nó đã có hiệu lực, hoặc khi bị phạt do vi phạm luật giao thông. Theo truyền thông nhà nước, nhiều tài xế vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hốt hoảng khi cảnh sát giao thông báo mức tiền phạt.

RFA cho hay, mức phạt vi phạm giao thông quá cao sẽ khiến cuộc sống của người dân nghèo khó khăn hơn, gây bất mãn trong dân chúng và không có lợi cho lực lượng thực thi pháp luật.

Trong khi đó, khi người dân lên tiếng than thở, lại phải đối diện với nguy cơ bị kết tội nói xấu chính quyền, báo chí độc lập lên tiếng thì bị cho là xuyên tạc.

Vẫn theo RFA, Nghị định 168 rõ ràng là một sự thách đố đối với phát biểu của Tổng bí thư Tô Lâm, khi ông cho rằng ý Đảng phải hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước; phải làm sao để mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực, và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.

 

Hoàng Anh – thoibao.de